Editors Choice

3/recent/post-list

Ad Code

[Giới thiệu] Aiyoku no Eustia - Vô vàn sắc thái xung đột, nhưng chung một tấm lòng thiết tha

Trải lòng mình với các bạn độc giả về dự án Việt hóa

Aiyoku no Eustia

Giới thiệu Aiyoku no Eustia


Giữa muôn vàn hình thức giải trí, mình đã chọn Visual Novel

Visual Novel là phương thức truyền thông ưa thích của mình, với điểm mạnh nổi bật nằm ở yếu tố xây dựng nhân vật và độ cuốn hút sự nhập tâm của độc giả. Anime có thể giúp các nhân vật sống động hơn nhờ hoạt ảnh; Light Novel có thể xây dựng nên những bối cảnh dị giới tỉ mỉ, độc đáo và màu nhiệm; nhưng riêng về khoản phát triển tính cách nhân vật thì Visual Novel là bất bại. Nhưng có ưu tất cũng phải có nhược. Điểm yếu rõ ràng nhất khiến cho Visual Novel khó mà thoát được cái mác kén người đọc chính là độ dài. Ngay cả những Visual Novel thuộc tầm “ngắn” cũng phải tốn ít nhất hàng chục giờ để hoàn thành - một khoảng thời gian mà người xem anime hệ binge watcher có thể cày xong vài ba season liền rồi. 

đọc game

Nhưng Visual Novel nói chung, đặc biệt là tác phẩm này nói riêng...

Dẫu vậy, sau khi đã kiên trì gắn bó đủ một khoảng thời gian nhất định và bắt đầu nhập tâm (những người đọc lâu năm như bọn mình thường đùa là “vào guồng” hay “bánh cuốn), thì bỗng dưng việc đọc từng dòng chữ mới, nghe từng câu thoại mới sau mỗi cú click chuột, mỗi lần nhấn phím Enter lại trở nên tự nhiên như hít thở vậy. Sẽ chẳng còn cái cảm giác phải “lết” từng câu nữa; bạn sẽ quên cả thời gian để mong ngóng câu chuyện trong màn hình tiếp tục diễn biến ra sao, đợi chờ những pha ôm cua kịch tính từ tác giả, và ước ao vào một cái kết như mình mong muốn, cho dù trước đó có từng thầm nghĩ rằng mình nằm lòng được hết các tình tiết sẽ xảy ra hay không. Tiếc rằng, chính khoảng thời gian cần tiêu tốn để xây dựng nền tảng nhằm đưa độc giả vào trạng thái “đã máu đừng hỏi bố cháu là ai” như vậy lại là cội nguồn điểm yếu của thể loại Visual Novel. Với một số series có tiếng trải dài nhiều năm như When They Cry, Muv-Luv hay Grisaia, quá trình “đắp nền” này có thể là một, thậm chí là nhiều Visual Novel riêng biệt. Với hầu hết stand-alone Visual Novel thì sẽ thường tốn khoảng 2-3 giờ đồng hồ. Nhưng có một số cái tên nổi bật xuất sắc với khả năng hút người đọc vào thế giới của tác phẩm ngay từ những giây phút đầu tiên, và khi đã vào guồng thì lôi cuốn mạnh tới mức không thế nào dứt ra, y như bên trong chân trời sự kiện của hố đen vũ trụ vậy. Trong bài viết này, mình xin giới thiệu với mọi người một Visual Novel xuất sắc như vậy - Aiyoku no Eustia, với bản dịch tiếng Việt đã hoàn thiện và sẽ sớm được ra mắt để các bạn cùng thưởng thức.

Thế giới trong Aiyoku

Bối cảnh trung tâm của Aiyoku no Eustia là Novus Aether, một thành phố trôi nổi giữa không trung, và là nơi sinh sống cuối cùng của loài người sau một thảm họa diệt vong từ rất lâu về trước. Kiến trúc cũng như cơ cấu tổ chức của thành phố này được xây dựng theo hình mẫu đô thị Châu Âu thời Trung Cổ. Trách nhiệm duy trì khả năng bay trên không trung của thành phố thuộc về Giáo Hội, cụ thể hơn là một vị “Thánh Nữ.” Novus Aether được phân hóa thành 3 khu vực. Cao nhất là “Thượng Tầng”, nơi định cư của giai cấp quý tộc. Tầm giữa là “Hạ Tầng”, với cư dân thuộc tầng lớp trung lưu. Còn lại là một phần lãnh thổ bị tách rời mang cái tên “Nhà Tù.” Hoàn toàn biệt lập khỏi sự trị vì của Quốc Vương và chìm sâu trong cuộc tranh giành quyền lực khốc liệt giữa hai phe phái nắm quyền, đó là nơi những con người thuộc tầng đáy xã hội phải chật vật giành giật lấy sự sống cho mình.Ở phần đầu câu chuyện, nhân vật chính Caim Astraea được giới thiệu là một kẻ thiếu thốn tham vọng, chẳng mong gì hơn việc kiếm cách sinh tồn qua ngày, mặc kệ dòng đời đưa mình trôi đến đâu thì đến. Ấy vậy mà, sau cơn động đất đột ngột khiến một phần thành phố sụp đổ, tư tưởng không muốn đổi thay của anh cũng từ đó mà chấn động theo.

Nghe qua tóm tắt bối cảnh như vậy, chắc nhiều người sẽ đoán rằng Eustia là một câu chuyện Medieval Fantasy truyền thống và bó gọn trong khuôn khổ. Nếu đó là suy nghĩ của bạn, thì có lẽ bạn sẽ bất ngờ khi nhận thấy khuynh hướng chèo lái mạch diễn đạt theo những lối ngoặt dẫu ngẫu hứng mà vẫn hợp lý của tác phẩm, cho dù các diễn biến đó có phần dễ đoán đi chăng nữa. Nói vậy chứ mình cũng phải thú thực rằng ý kiến vừa rồi khá chủ quan, vì nó sinh ra từ nhận thức của kẻ đã đọc xong rồi mới phán (bệnh kinh niên của người đọc tiểu thuyết trinh thám với bí ẩn thôi, xin lỗi mọi người nhé hihi). 

nhà sản xuất quay xe, tổ lái

Aiyoku đã cho mình chiêm ngưỡng một tuyệt tác

Không thể phủ nhận rằng cốt truyện của Eustia tốt vượt mức tiêu chuẩn thông thường, nhưng mình thấy đó không phải điều đáng khen ngợi nhất. Điểm xuất sắc nổi trội nhất, xứng đáng phải nhắc tới đầu tiên chính là phần xây dựng bối cảnh: như mình đã giới thiệu ban đầu, tác phẩm chỉ cần vài phút đầu tiên để cuốn trọn sự nhập tâm của độc giả vào một thế giới Trung Cổ vừa huyền ảo lại vừa rất thực tế. Tiếp đó là chất lượng sản xuất cực cao của những yếu tố đặc trưng của thể loại Visual Novel: Tới 67 bản nhạc giao hưởng trác tuyệt được phát hành thành 5 đĩa CD, cùng đồ họa đẹp bóng loáng và giao diện hệ thống mượt mà, hiện đại, giúp người đọc hòa hợp cùng cuộc sống của nhân vật chính trong một Nhà Tù khổng lồ không song sắt. Mình tin rằng cả các fan của thể loại Medieval Fantasy truyền thống cũng sẽ khó mà tìm được điểm nào đáng chỉ trích; vì dù có vài khoảnh khắc “ôm cua” ngẫu hứng nhưng Eustia không bao giờ trật bánh hoàn toàn khỏi đường ray khuôn khổ của thể loại - ý định căn nguyên của tác phẩm luôn được giữ gìn toàn vẹn xuyên suốt câu chuyện. Nếu coi sự ổn định về chất lượng là cái tội thì có thể xem Eustia là tội đồ trên một góc độ nào đó. “Ổn định” mà mình nói tới ở đây không phải ở mức “tầm tầm” hay “chấp nhận được”, vì mọi yếu tố về chất lượng của tác phẩm này luôn ở mức “tốt” từ đầu đến cuối. Nhưng sự “tốt ổn định” đó lại mang cái tội không tạo được bước ngoặt nào đủ lớn để đẩy câu chuyện từ mức “hay” lên mức “xuất sắc”, cũng không có điểm nào đột phá ra khỏi những sắc thái và chiều hướng định hình thể loại để khiến người đọc được một phen bất ngờ khó quên. Nhưng trên phương diện đối lập, sự ổn định lại giúp Eustia không bao giờ khiến người đọc cảm thấy hụt hẫng hay thất vọng. Đội ngũ sản xuất xây dựng tác phẩm này như cách một kiến trúc sư tài ba xây dựng một căn nhà đẹp vậy; dù thành phẩm không đạt tới tầm cỡ nguy nga như cung vua, điện chúa thì cũng chẳng ai có thể phủ nhận tài năng của họ khi nhìn vào một căn biệt thự khang trang. Suốt quá trình đọc Eustia, chúng ta sẽ thấy mỗi câu từ, mỗi tình tiết trong câu chuyện đều là những viên gạch vững chãi, được biên kịch tỉ mỉ liên kết thành một câu chuyện hoàn chỉnh bằng sự kỹ lưỡng và trôi chảy trong diễn đạt. Dù hướng diễn biến của các tình tiết gay cấn có thể không nằm ngoài dự đoán của độc giả, những khúc cao trào của tác phẩm vẫn xứng tầm được đánh giá là đạt tới tầm cao của nghệ thuật tự sự.

Cách phân nhánh diễn đạt của Eustia tương tự với visual novel kinh điển G-Senjou no Maou, một cấu trúc mà mọi người trong nhóm chúng mình thường gọi là “cầu thang.” Common route rất dài, hướng thẳng về một “true end” được xác định từ trước, nhưng được chia ra thành nhiều phần nhỏ, mỗi phần tập trung vào một nữ chính nhất định, và cứ đến cuối từng phần, bạn sẽ được lựa chọn giữa việc tiếp tục đi “đúng hướng” trên con đường của common route, hoặc “xuống thang” để rẽ sang cái kết riêng cho câu chuyện của nữ chính (rất ngắn, mỗi end chỉ đọc tầm 30 phút là hết, với số lượng những cảnh “ấy ấy” mà các bạn đang rất thèm hỏi trung bình là 2). Và chính như những điều trong ngoặc đó vừa ám chỉ, những cái kết này chủ yếu chỉ dành cho dân ăn ngọt đến tiểu đường và/hoặc những ai quá thèm xem “ấy ấy” - sặc hường phấn đến mức đá văng hết cả chủ đề lẫn không khí của cốt truyện. Với những ai mê “happy ending” cho một số nữ chính nhất định mà họ thấy đặc biệt có cảm tình thì chúng làm tốt nhiệm vụ “fanservice” về khoản đó cho họ, nhưng nếu bạn chú tâm hơn đến nội dung chính (nếu nghiêm túc đọc đến đây thì mình tin rằng bạn hiểu nội dung chính không phải là “ấy ấy”) thì có thể tạm thời bỏ qua chúng và tiếp tục đi theo chính đạo dẫn tới true end, vì những phần nội dung 30 phút đó không xứng đáng được coi là những kết thúc “có thật” của câu chuyện đáng ra là “tốt ổn định” về mọi mặt này. (những thứ không nên có thật thì hãy cứ coi là không có thật, sắc tức thị không, không tức thị sắc.)

Aiyoku dạy cho mình về nhân sinh quan

Chủ đề trọng yếu của Eustia là bổn phận và nghĩa lý tồn tại của từng cá nhân. Mỗi nhân vật trong câu chuyện đều mang trên vai mình một gánh nặng riêng. Những cư dân chủ chốt mà Caim gặp gỡ tại “Nhà Tù”, cũng như chính anh, đều được sinh ra hoặc bị đày đọa xuống đó: một vũng bùn đầy rẫy xung đột, bệnh tật và nghèo đói. Chẳng ai trong số họ xấu xa đến mức xứng đáng phải sống một cuộc đời bất công như thế. Thánh Nữ và Giáo Hội thì phải chịu trọng trách duy trì nơi an cư cũng như sự bình tâm của toàn thể dân chúng, không bao giờ được thảnh thơi tận hưởng cuộc sống cho riêng mình. Ngay cả giai cấp quý tộc với đời sống xa hoa nhất cũng phải thực hiện bổn phận nắm quyền hành, bảo vệ một xã hội còn chưa khỏi lung lay sau thảm họa Đại Sụp Đổ khỏi biết bao vấn nạn: tư tưởng thù địch, miệt thị lẫn nhau, xích mích nội bộ, và nhiều hơn thế nữa. Tác phẩm này là hiện thân của sự xung đột giữa trách nhiệm với trách nhiệm, giữa nghĩa lý với nghĩa lý. Ban đầu người đọc có thể tưởng rằng câu chuyện khá đơn giản, nhưng cứ sau từng chương, từng chương một, quan điểm của họ chắc chắn sẽ dần thay đổi. Mỗi chương lại xoáy sâu vào một phần khác nhau của thành phố Novus Aether, và cuối mỗi câu chuyện nhỏ đó, một phe phái mới lại được giới thiệu vào cuộc chơi. Nhân vật chính Caim khởi đầu với một gánh nặng bắt nguồn từ trước cả khi anh phải sinh sống tại Nhà Tù, và đây là câu chuyện kể về cuộc hành trình kiếm tìm bản thân của anh, một kẻ biết rõ bổn phận sẵn có nhưng lại gặp khó khăn để xác định nghĩa lý tồn tại của mình. Mặc dù các nhân vật nữ chính có đôi khi đưa ra những quyết định khá khó hiểu (cũng như việc mấy cái “route” 30 phút của họ không được vừa ý mình như đã nói), thì suy cho cùng, trên góc nhìn “khách quan”, những tiểu tiết đó không làm loãng đi chủ đề đậm sâu của tác phẩm; tất cả đều phụ thuộc vào cảm tình của độc giả mà thôi. Trong suốt quá trình đọc chương cuối cùng, tác phẩm gây cho mình một sự xung đột nội tâm lớn, tới mức không xác định nổi mình thực sự ủng hộ cho phe nào. Tuy các lựa chọn được đưa ra càng lúc càng đơn giản đi, mình thực sự choáng ngợp trước cách mà tác phẩm văn học này xây dựng nên những hình tượng nhân vật thực tế tới toàn vẹn: dẫu khiếm khuyết mà chân thành và nồng thắm vô cùng.

sad

Nói qua một chút về các nhân vật nữ chính; mặc dù không ai trong số họ đủ hợp khẩu vị cá nhân để mình có thể claim waifu, thì tất cả vẫn đều xứng đáng nhận được những lời khen. Trước tiên phải nhắc tới true heroine - nhân vật định danh cho cả câu chuyện - Eustia, thường được gọi bằng cái tên thân mật hơn là Tia. Xứng danh với tiêu đề của tác phẩm, mặc ai có cho rằng đôi cánh kia là ô uế, em vẫn cứ thực sự là một thiên thần. Tia là nhân vật nữ duy nhất trong cả bộ mà mình cảm thấy khó có thể bắt lỗi một điểm nào. Càng vào sâu trong câu chuyện, bất kỳ ai cũng sẽ càng thấy thấu hiểu và gần gũi với em hơn. Đội trưởng Hội Săn Cánh - Saber from Fate, ấy nhầm, ý mình là Fione, tuy không quá ấn tượng theo ý kiến cá nhân, nhưng mình vẫn phải đánh giá là được xây dựng một cách linh động hơn nhiều so với hình mẫu cứng nhắc thông thường của kiểu nhân vật như vậy. Eris, aka “I’m bác sĩ” thì dù đôi lúc có những pha xử lý khá là đi vào lòng đất do cứng đầu, nhưng xét cho cùng vẫn là một cô nàng đáng mến. Thánh Nữ và người hầu cận thì tuy hai mà một, chỉ vào một route mà tóm gọn cả hai. Như thể hai mặt của cùng một đồng xu, cô hầu thì tròn vai không ngoài dự đoán, nhưng còn vị Thánh Nữ nom tưởng rụt rè, e lệ lại mang tính cách ngược hoàn toàn dự đoán của phần đông độc giả. Hay cả nàng công chúa cũng vậy; trông qua cứ nghĩ sẽ chỉ là nhân vật kiểu rập khuôn, mà đọc rồi mới thấy đa chiều và sắc sảo không hề kém cạnh các nữ chính khác chút nào.


Lời kết

Mình xin kết luận rằng Aiyoku no Eustia là một visual novel thuộc hàng thượng phẩm, không phải bằng cách xuất sắc nổi bật ở một điểm nào đó, mà bằng cách làm tốt ổn định ở tất cả mọi phần. Hiếm có câu chuyện nào lại khiến mình thấy băn khoăn về cảm xúc của bản thân sau khi đọc xong đến vậy. Một số thì khiến mình thấy yêu, thấy giận, số khác lại gợi sự thỏa mãn, bình tâm. Còn cảm xúc ngay khi vừa hoàn thành Eustia thì thật khó để mình diễn tả ngay lúc ấy, nhưng giờ đây, sau khi ấn tượng đã lắng đọng cùng thời gian, ký ức của mình khi nhớ về tác phẩm này chắc chắn là một trải nghiệm vừa lòng và ý nghĩa. Để sáng tạo được nên một câu chuyện khiến lòng người xao xuyến như thế - đặt trong một thế giới không chỉ đơn thuần có hai sắc màu trắng và đen, không tồn tại những lý lẽ kiểu “đam mê” hay “chính nghĩa” luôn chiến thắng, chỉ khắc họa chân thực những con người không nề hà tính mạng để theo đuổi mục tiêu mà mình hết lòng tin tưởng - thành công trong việc đó thôi đã đáng coi là thành tích để đời rồi.  

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Ad Code